Việt Nam có nhiều cải thiện tích cực trong gỡ 'thẻ vàng' IUU của EC

(PLO)- Sau hơn năm năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam, trải qua ba lần thanh tra, EC khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đã có sự cải thiện.
0:00 / 0:00
0:00

Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ đến Việt Nam từ ngày 25-5 tới để xem xét có gỡ "thẻ vàng" IUU cho hải sản của nước ta hay không. Vì vậy, các ngành, địa phương có liên quan, nhất là bốn tỉnh đã bị Thủ tướng “tuýt còi,” phải quyết liệt thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, chuẩn bị đầy đủ chi tiết kế hoạch để làm việc với Đoàn Thanh tra EC, tập trung quản lý đội tàu khai thác hải sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý vi phạm.

Có nhiều chuyển biến

Theo Bộ Công Thương, sau hơn năm năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" (từ 23-10-2017) đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam, trải qua ba lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, có sự cải thiện tích cực.

Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản, tuyên truyền về IUU... cho ngư dân. Ảnh: TTXVN

Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản, tuyên truyền về IUU... cho ngư dân. Ảnh: TTXVN

Các ban, bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, TP ven biển đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Tuy nhiên, EC vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam là do một số địa phương thiếu sự quyết liệt trong thực hiện các khuyến nghị cần thực hiện còn để xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm ngư trường nước ngoài.

Ngày 13-2-2023, Chính phủ đã ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".

Theo Kế hoạch, Chính phủ Việt Nam giữ vững quan điểm rằng việc ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU là trách nhiệm của mỗi quốc gia có biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển bền vững, ổn định sinh kế bền vững của người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh trên các vùng biển và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Các ngành, địa phương phải quyết liệt ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Quyết định 339 ngày 11-3-2021 của Thủ tướng về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023; thống nhất nhận thức, hành động và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU.

Thiết bị giám sát hành trình là giải pháp quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Thiết bị giám sát hành trình là giải pháp quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU.

Cụ thể, đến tháng 5-2023, từng địa phương phải rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Các địa phương lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý. Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn-trạm biên phòng tuyến biển và tại cảng cá, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.

Chuẩn bị chu đáo buổi làm việc với Đoàn Thanh tra của EC

Ngày 17-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có công điện về việc tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt trong hành động để hoàn thành việc khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC, chuẩn bị chu đáo nội dung và điều kiện để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 (từ 25 đến 31-5 tới).

Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, đến cuối tháng 4 vừa qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong cả nước đạt 97,5%; có 10 trong tổng số 28 tỉnh, TP ven biển đã thành lập lực lượng kiểm ngư; khoảng 28,5% tổng sản lượng thủy sản khai thác được giám sát qua cảng, công tác xác thực nguyên liệu, xác nhận nguồn gốc chưa đảm bảo.

Đáng chú ý, năm 2022 có 84 tàu cá của ngư dân Việt Nam bị cơ quan hữu quan nước ngoài bắt giữ do vi phạm về ngư trường, từ đầu năm 2023 đến nay có 16 tàu cá bị bắt giữ...

Trong công điện của Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi khai thác trái phép.

Thủ tướng phê bình bốn tỉnh gồm Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận và Kiên Giang còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, yêu cầu các tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan, báo cáo Thủ tướng trước 15-5.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP ven biển có trách nhiệm chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đồng thời điều tra, xác minh, xử lý triệt để vi phạm, trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự cần điều tra, truy tố theo quy định pháp luật, đặc biệt là hành vi cố tình vi phạm quy định về IUU…

Kiểm ngư kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá đánh bắt trên biển. Ảnh: TTXVN

Kiểm ngư kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá đánh bắt trên biển. Ảnh: TTXVN

Cộng đồng châu Âu (EU) nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và trước Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỉ USD của Việt Nam năm 2022, thị trường EU đóng góp 1,3 tỉ USD.

Sự thiếu quyết liệt của một số địa phương trong thực hiện các khuyến nghị từ EC, trong đó có bốn tỉnh đã bị Thủ tướng nhắc nhở làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả nước trong việc gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam.

Trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 01-5, cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 3003/Hải đội 112/Hải đoàn 11/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã trực sẵn sàng chiến đấu kết hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật và tuyên truyền phòng chống IUU tại khu vực đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).

Ngày 01-5, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, tổ công tác của Tàu CSB 3003 đã tới 21 tàu cá với 117 ngư dân, tổ chức tuyên truyền cấp phát 170 tờ rơi tuyên truyền về “Những điều ngư dân cần biết về chống khai thác IUU”; “Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018”. Tổ công tác cũng động viên, hỏi thăm sức khỏe, tình hình đánh bắt hải sản và trao tặng 35 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân.

Những việc làm trên đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp ngư dân nắm chắc và chấp hành nghiêm các quy định phòng chống IUU, không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.

Động viên tinh thần, củng cố niềm tin, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Canhsatbien.vn

Có thể bạn quan tâm