Quyết tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam

(PLO)- Hàng loạt ý kiến nêu các giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-4, tại Bình Định, Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ tư.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện 28 tỉnh, thành khu vực ven biển.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QN

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QN

Vẫn còn nhiều thách thức

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo chống khai thác bất hợp pháp, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác để nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân.

Tỉnh vẫn còn xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, bởi một số ngư dân vì lợi ích kinh tế nên cố tình đưa tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền không đưa tàu cá về địa phương.

Ngoài ra, việc phân định ranh giới trên biển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt ở vùng biển phía Nam của Việt Nam chưa rõ ràng nên có trường hợp tàu khai thác hải sản ở vùng chồng lấn, vùng đang có tranh chấp đã bị lực lượng tuần tra nước ngoài bắt giữ, đưa về nước họ để xử lý. Một số trường hợp tàu gặp gió bão hoặc chạy tránh trú bão, tàu bị hỏng máy trôi trên biển… bị dạt vào các vùng biển nước ngoài nhưng không biết các biện pháp xin hỗ trợ khẩn cấp và bị bắt giữ.

Bình Định đang tăng cường công tác chống khai thác bất hợp pháp. Ảnh: QN

Bình Định đang tăng cường công tác chống khai thác bất hợp pháp. Ảnh: QN

“Việc điều tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa thực hiện được triệt để, chưa đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm của các tàu cá khai thác vùng lộng và vùng ven bờ, nhất là xử lý tàu lưới kéo hoạt động và ra vào cảng cá trên địa bàn tỉnh còn khó khăn....” - ông Tuấn cho biết.

Tại hội nghị, ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản, cho biết EC khuyến nghị chúng ta bốn nhóm vấn đề nhưng vấn đề trọng tâm cần khắc phục ngay là quản lý đội tàu, giám sát hoạt động tàu cá, bởi phải kiểm soát được từng tàu đang hoạt động ở đâu, hoạt động như thế nào, có đủ điều kiện hoạt động hay không. Trong quá trình tàu cá hoạt động ngoài biển, ngành chức năng phải kiểm soát 24/7 để đảm bảo tàu cá hoạt động đúng vùng, đúng tuyến, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo chủ tịch tỉnh Bình Định, việc điều tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa thực hiện được triệt để, chưa đủ sức răn đe...

Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Tại hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP), cho biết đã thực hiện các biện pháp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để hạn chế tối đa việc tàu cá khai thác vi phạm, nhất là các tàu 24 m trở lên.

Đại tá Hữu đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp hồ sơ, chứng cứ tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ để ngành chức năng đủ căn cứ xử lý.

209

phương tiện bị xử phạt hàng tỉ đồng do vi phạm khai thác bất hợp pháp. Qua tuần tra trên biển, lực lượng biên phòng đã tuyên truyền cho hàng trăm ngàn ngư dân về chống khai thác trái phép.

“Vi phạm xảy ra trên vùng biển nước ngoài chúng tôi không thể lập biên bản tại hiện trường, mà chỉ có thể căn cứ vào thông báo của Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng, lời khai có xâm phạm vùng biển nước ngoài của ngư dân vi phạm.

Hồ sơ bên nước ngoài xử lý gửi về thì chỉ có Bộ Ngoại giao có mà BĐBP không có. Chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU báo cáo với Chính phủ, chỉ đạo Bộ Ngoại giao cung cấp cho chúng tôi hồ sơ liên quan để thuận tiện xử lý nhằm tăng tính răn đe” - Đại tá Hữu kiến nghị.

Theo Đại tá Hữu, trong công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt thông qua hoạt động tàu cá cập cảng lên cá, kể cả tàu nước ngoài, thì BĐBP cần được cấp tài khoản truy cập vào hệ thống giám sát tàu cá để thực hiện nhiệm vụ.

“Ví dụ như ở Bình Định, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT chia sẻ tài khoản cho các đồn biên phòng và các trạm nhưng các tỉnh khác chỉ có BĐBP tỉnh mới có tài khoản” - Đại tá Hữu nói.•

Áp dụng biện pháp mạnh ngăn chặn tàu cá vi phạm IUU

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành trong việc triển khai phòng, chống khai thác IUU.

Theo ông Tiến, trong 16 tàu vi phạm trong thời gian qua chỉ có sáu trường hợp đầy đủ chứng cứ, 10 trường hợp còn lại phải xem xét lại nên cuộc làm việc với EC sắp tới thì Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị vùng chồng lấn cần phải xem xét lại.

“Trước khi đoàn thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với tổng thống Indonesia về vấn đề IUU, chứng tỏ Việt Nam rất nỗ lực quan tâm đến việc gỡ thẻ vàng. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao về việc gỡ thẻ vàng IUU để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, đặc biệt là nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” - Thứ trưởng Tiến nói.

Cũng theo Thứ trưởng Tiến, còn một tháng nữa EC sẽ vào, các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm cao thực hiện theo Công điện 265 của Thủ tướng Chính phủ là cần phải áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm