Ngư dân đang cần hỗ trợ để 'sống' với biển

CÙNG NGƯ DÂN VƯỢT KHÓ, THẮP SÁNG BIỂN - Bài 1

Ngư dân đang cần hỗ trợ để 'sống' với biển

(PLO)- Ngư dân nhiều nơi đang rất cần sự hỗ trợ một cơ chế tài chính phù hợp, nguồn cung lao động có tay nghề và công nghệ đánh bắt cá tiên tiến hơn.

Tại xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) từ ngày dịch bệnh và giá xăng dầu tăng cao thì chi phí để một chuyến đi biển tốn kém hơn rất nhiều. Trong khi đó, ngư trường đánh bắt hạn hẹp, nguồn lợi ít hơn trước đây. Sau dịch COVID-19 nhiều ghe tàu nằm bờ, rất ít hoạt động.

Hiện ngư trường đánh bắt của ngư dân ngày càng hạn hẹp, nguồn lợi ít hơn trước đây. Ảnh: MINH THU

Hiện ngư trường đánh bắt của ngư dân ngày càng hạn hẹp, nguồn lợi ít hơn trước đây. Ảnh: MINH THU

Nhiều tàu phải nằm bờ, ngư dân cần được gỡ khó

Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Nguyễn Tôn Niên (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: Hiện nay không ít ngư dân đang gặp khó khăn, nhiều tàu đi biển lỗ cả trăm triệu đồng, thậm chí có tàu lỗ hơn 1 tỉ đồng cho một chuyến đi đánh bắt. Số tiền để bỏ vào đầu tư tiếp thì nhiều nên chủ tàu không có khả năng và không ít trong đó đã ngưng hoạt động.

“Chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Đối với tàu giã cào, hiện nay có chính sách hạn chế, với mục tiêu để nguồn lợi thủy sản phục hồi trở lại. Điều này là vì lợi ích lâu dài, tuân thủ. Nhưng ở chiều ngược lại cũng rất mong Nhà nước có sự hỗ trợ thiết thực.

Ví dụ có thể thu lại các tàu của ngư dân, định giá lại theo từng năm đóng, giúp ngư dân có nguồn vốn để chuyển đổi hình thức khai thác, nuôi trồng hải sản phù hợp khác…” - ông Niên bày tỏ nguyện vọng.

Theo ông Niên, vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản là nghề cha ông truyền lại. Nhiều ngư dân không được theo học cao. Nếu chuyển đổi nghề thì nghề khác thường yêu cầu dưới 40 tuổi, hơn 50 tuổi như ông và nhiều người ít có công ty, cơ quan nào nhận cho nên mong muốn được trợ lực để có thể bám biển, sống trên chính nghề truyền thống của mình.

Ông rất mong các cấp chính quyền sẽ tiếp xúc trực tiếp nhiều, lắng nghe tiếng nói của ngư dân để đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp.

Vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản đã là nghề cha ông truyền lại nhiều năm qua. Ảnh: THANH NHẬT

Vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản đã là nghề cha ông truyền lại nhiều năm qua. Ảnh: THANH NHẬT

Chi phí tăng, mong giá cả tốt hơn

Ngồi nghỉ trưa sau khi bốc cá cho thương lái, anh Lê Văn Lơ (quê Quảng Ngãi) đi biển thuê ở huyện Núi Thành lộ rõ vẻ mệt mỏi trên gương mặt. Điều khiến anh Lơ buồn nhất là chuyến biển này không như mong đợi, sản lượng quá thấp.

Theo anh Lơ, nghề biển trung bình mỗi năm đánh bắt được 5-6 tháng, thu nhập mỗi chuyến (khoảng một tháng) tưởng chừng tạm ổn nhưng thật ra rất bấp bênh (trừ chi phí còn chừng 7 triệu đồng/tháng). Những năm trước, khi sản lượng đánh bắt cao, chủ và bạn tàu ăn chia theo sản phẩm thì thu nhập khá hơn nhiều.

“Bình thường sau khi trừ tất cả chi phí, số tiền còn dư bạn tàu sẽ ăn chia với chủ tàu theo tỉ lệ thỏa thuận. Nhưng gần đây, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn hải sản hạn chế nên bạn tàu chuyển sang đi thuê cho chủ tàu theo tháng hoặc theo chuyến” - anh Lơ nói.

Trung bình mỗi chuyến biển chủ tàu đánh bắt cá chuồn phải bỏ ra 90 triệu đồng để trả công lao động. Nhiên liệu và chi phí khác thêm khoảng 200 triệu đồng. Với giá cá chuồn hơn 20.000 đồng/kg, một chuyến biển phải đạt 15 tấn mới hòa vốn, chưa nói chuyện ăn chia.

Tàu cá cập cảng Tam Quang (Quảng Nam) với nỗi lo được mùa mất giá. Ảnh: THANH NHẬT
Tàu cá cập cảng Tam Quang (Quảng Nam) với nỗi lo được mùa mất giá. Ảnh: THANH NHẬT

Làm chủ hai con tàu hành nghề lưới vây, ông Huỳnh Minh Cảnh (ngụ huyện Núi Thành) rất vất vả mỗi khi tìm bạn đi biển, bởi thu nhập bấp bênh, bạn tàu không còn mặn mà với nghề, lặn lội đi tìm việc khác.

“Ngư trường cạn kiệt, sản lượng làm ra ít hoặc liên tục lâm cảnh được mùa mất giá nên mức thu nhập không như kỳ vọng. Ngư dân chúng tôi mong có thị trường tiêu thụ lớn, chứ như bây giờ thì quá phụ thuộc vào chợ bán lẻ. Thị trường không ổn định thì tàu đánh bắt được nhiều cá cũng gặp khó” - ông Cảnh lý giải.

Cần đào tạo lao động có tay nghề về đánh bắt

Ngư dân Trần Văn Phừng (ngụ xã Phú Hải, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) cho hay để đủ số lượng lao động trong mỗi chuyến ra khơi, các chủ tàu không chỉ hỏi tìm bạn tàu tại địa phương mà phải tìm kiếm ở các tỉnh lân cận.

Ngư dân hiện đang cần sự hỗ trợ để có thể tiếp tục vươn khơi, bám biển. Ảnh: HUỲNH HẢI

Ngư dân hiện đang cần sự hỗ trợ để có thể tiếp tục vươn khơi, bám biển. Ảnh: HUỲNH HẢI

“Vài năm trở lại đây, việc tìm kiếm bạn tàu trở nên khó khăn hơn do lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với nghề đi biển. Mỗi chuyến đi biển của ngư dân không chỉ phụ thuộc vào giá nhiên liệu, ngư trường đánh bắt mà còn phải tùy thuộc số lao động tìm được” - ông Phừng nói.

Sản lượng ngày càng giảm

Sản lượng đánh bắt ngày càng giảm do trước đây chúng ta khai thác quá nhiều. Giá xăng dầu tăng cao cũng là một thách thức. Chưa có con tàu nào mà ở đó ngoài nhiệm vụ khai thác, tổ chức được tiện nghi cần thiết cho ngư dân sống ở mức đảm bảo. Tựu trung lại, lao động nghề biển vừa nguy hiểm vừa thiếu tiện nghi, không được trang bị kiến thức và thu nhập lại quá bấp bênh.

Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng TRẦN VĂN LĨNH

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho hay việc tìm bạn tàu rất khó vì ngay con cái của ngư dân cũng không theo nghề biển nữa. Các chủ tàu phải lên miền ngược, miền núi, bỏ tiền cho bạn tàu ứng trước để đi làm. Nhưng những người này không có kiến thức, kinh nghiệm về đánh cá nên mang đầy tính may rủi. Khi đánh bắt không được lại bỏ, do đó tính ổn định của nhân lực trên tàu cá không có.

Theo ông Lĩnh, chưa có đơn vị nào đứng ra chuyển giao công nghệ đánh bắt cá cho ngư dân một cách hoàn chỉnh hoặc định hướng cho ngư dân đánh bắt cá thế nào. Trường ĐH duy nhất dạy về đánh bắt cá là Trường ĐH Thủy sản Nha Trang đã đóng cửa khoa Khai thác cá từ chục năm trước.

“Nước ta không có trường nào dạy về kỹ thuật công nghiệp đánh bắt cá, trường trung cấp cũng không còn khoa khai thác thủy sản. Nếu nói đánh bắt cá là ngành công nghiệp thì nhân lực vô cùng quan trọng nhưng vai trò đào tạo nhân lực bị bỏ hẳn. Kinh tế trên bờ phát triển nhanh, tìm việc dễ dàng nên người dân không còn cảm hứng phải đánh đổi rủi ro để đi biển nữa” - ông Lĩnh phân tích.

Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển"

Nhằm tuyên truyền cho ngư dân, thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi công dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi đánh bắt trên biển, đồng thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế, Báo Pháp luật TP.HCM chính thức phát động Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

· Chương trình do ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, làm Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Tổng biên tập Nguyễn Thái Bình làm Trưởng ban Tổ chức.

· Chương trình còn có sự đồng hành tham gia của đại diện: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ NN&PTNT; Hội Nghề cá Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển…

· Đại sứ của chương trình là hoa hậu Trái đất 2018, Nguyễn Phương Khánh.

· Chương trình sẽ được tổ chức tại 28 tỉnh thành có biển trên cả nước trong 03 năm, từ 2023 - 2025.

· Tại mỗi địa phương, BTC chương trình sẽ trao quà cho 200 ngư dân. Mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng, bao gồm 01 bộ ắc quy phục hồi + đèn led, phao cứu hộ, 01 túi thuốc + các loại thuốc cần thiết.

· Chương trình còn trao học bổng, xe đạp, sách tập... cho con em những gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn.

· Đáng chú ý, Chương trình sẽ phát hành cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản (do Báo Pháp luật TP.HCM chủ biên), với rất nhiều kiến thức về pháp lý cần thiết dành cho bà con ngư dân.

· Dự kiến Chương trình sẽ tổ chức các tọa đàm, hội thảo về chủ đề đánh bắt trên biển sao cho đúng pháp luật, góp phần đồng hành cùng các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện Kế hoạch hành động tháo gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng chính phủ đã ban hành.

** Lễ ra mắt Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 18 giờ thứ Sáu ngày 07-04-2023 tại REX Hotel, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Bài 2: Để ngư dân bám biển an toàn, hiệu quả

Đọc thêm