Hôm nay ra mắt Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển: Hỗ trợ ngư dân, đưa thủy sản Việt phát triển bền vững

(PLO)- Chính phủ đã huy động nhiều đơn vị, lực lượng, phương tiện thường trực trên các vùng biển để hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển và ngăn chặn chống đánh bắt bất hợp pháp.
0:00 / 0:00
0:00

“Để phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững và đảm bảo hội nhập quốc tế, Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành Quyết định 339 phê duyệt chiến lược phát triển chung ngành thủy sản, trong đó có ngành khai thác thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết như trên.

Hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển

. Phóng viên: Thưa ông, năm 2022 là một năm thắng lợi với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục 11 tỉ USD. Ông có thể chia sẻ rõ hơn trong những năm qua, khai thác thủy sản trên biển đã đạt được kết quả như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Trung.

Ông Nguyễn Văn Trung.

+ Ông Nguyễn Văn Trung: Trong thời gian qua, khai thác thủy sản cũng đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ. Sản lượng đánh bắt thủy sản đang thực hiện tốt theo định hướng phát triển là khai thác phù hợp với sự cho phép của nguồn lợi thủy sản. Hiện nguồn lợi thủy sản của ta cũng có giới hạn nên việc thực hiện khai thác theo đúng định hướng rất quan trọng, đảm bảo khai thác bền vững, có hiệu quả.

Tính riêng trong năm 2022, bên cạnh những khó khăn của dịch COVID-19, giá dầu tăng cao… thì tổng kết lại hiệu quả sản xuất, tổng thu nhập giá trị sản xuất vẫn đạt và vượt kế hoạch. Số lượng tàu cũng giảm dần 6%-8%, sản lượng khai thác giảm theo định hướng là 3,5% nhưng giá trị sản xuất vẫn giữ vững, thu nhập của người dân tương đối ổn định. Việc ngư dân có mặt trên các vùng biển vẫn đều đặn và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.

. Ngoài những điểm sáng nêu trên thì hiện nay hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân vẫn còn những khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?

+ Chúng ta đang gặp một khó khăn rất lớn là cường lực khai thác đang phát triển quá mức so với mức cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là khối tàu đánh bắt ở vùng ven bờ và vùng lộng. Vì vậy, việc ổn định số lượng tàu và cường lực khai thác tương đương với sự cho phép của nguồn lợi thủy sản là một khó khăn lớn. Khi nguồn lợi không phù hợp thì ngành khai thác thủy sản không đạt hiệu quả cao, điều đó khiến đời sống của ngư dân không được ổn định.

Niềm vui của ngư dân Quảng Ngãi khi trúng đậm mùa cá. Ảnh: THANH NHẬT

Niềm vui của ngư dân Quảng Ngãi khi trúng đậm mùa cá. Ảnh: THANH NHẬT

. Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã và đang triển khai những giải pháp gì để bảo vệ ngư dân khi đánh bắt xa bờ, giúp đỡ ngư dân bám biển?

+ Đây là nhiệm vụ rất lớn và khó khăn, cần sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng như kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân… Hiện nay Chính phủ đã huy động nhiều đơn vị, lực lượng, phương tiện thường trực trên các vùng biển để hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển và ngăn chặn chống đánh bắt bất hợp pháp, ngăn chặn các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta để đánh bắt trái phép…

Hiện chúng ta có khoảng 70% trong số 20.000 tàu thường xuyên có mặt trên các vùng biển.

Đảm bảo ngành thủy sản phát triển bền vững, lâu dài

. Ông đánh giá thế nào về việc thực thi pháp luật của ngư dân khi đánh bắt trên biển?

+ Kể từ khi triển khai Luật Thủy sản năm 2017 cùng với việc thực hiện các giải pháp, biện pháp để chống đánh bắt bất hợp pháp trên biển, qua công tác tuyên truyền thì nhận thức của ngư dân, cộng đồng cư dân ven biển đều được nâng cao lên một bước tích cực, xác định được hành vi nào là hợp pháp, bất hợp pháp khi đánh bắt trên biển.

Ngư dân Quảng Ngãi đưa cá từ tàu lên bờ. Ảnh: T.NHẬT

Ngư dân Quảng Ngãi đưa cá từ tàu lên bờ. Ảnh: T.NHẬT

Ngoài tuyên truyền thì công tác quản lý tàu thuyền đánh bắt, sản lượng, ngư trường, nghề nghiệp đánh bắt trên các vùng biển đã đi được một bước rất xa, nhiều hành vi đánh bắt bất hợp pháp đã được nhận diện và loại bỏ.

Ban đầu, chúng ta cho rằng việc thực hiện các quy định mới sẽ gặp không ít khó khăn nhưng khi thực hiện được một thời gian thì thấy rằng ngư dân chấp hành tương đối tốt. Tuy vậy vẫn còn một số ngư dân vì lợi ích của mình nên vẫn đưa tàu đi đánh bắt trái phép ở các vùng biển nước ngoài, kể cả trong nội địa cũng còn có hành vi vi phạm như khai thác sai vùng, sử dụng ngư cụ cấm…

Phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững

Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, xác định đến năm 2025:

100% các tỉnh, TP ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý.

100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả.

100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu được giám sát.

100% tàu cá được kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

. Năm 2023 và thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp, chính sách gì để thủy sản Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững, thưa ông?

+ Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất, hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa, chính sách hỗ trợ về rủi ro… Đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách đó.

Cạnh đó, để phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững và đảm bảo hội nhập quốc tế thì ngành thủy sản đã trình Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành Quyết định 339 phê duyệt chiến lược phát triển chung ngành thủy sản, trong đó có ngành khai thác thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2022 cũng trình Chính phủ ban hành Quyết định 1090 của Thủ tướng về việc phê duyệt chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 208 ngày 10-3-2023 phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu ban hành các chính sách khác như chương trình phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các vùng sinh thái, quy hoạch cảng cá, quy hoạch về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Điều đó cho thấy chúng ta có một hệ thống cơ sở pháp lý để đảm bảo ngành thủy sản có sự phát triển bền vững, lâu dài.

. Xin cảm ơn ông.

Vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an

Ông Nguyễn Văn Nhỏ (chủ sáu tàu cá, Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban điều hành ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết ấp Phước Hiệp thường xuyên tổ chức các buổi hội nghị, đến nhà gửi tờ rơi, trao đổi, chia sẻ cùng các chủ tàu, ngư dân trên địa bàn ấp đánh bắt hải sản đúng quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (bìa trái) đang tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ pháp luật khai thác trên biển để vừa đánh bắt an toàn, vừa không ảnh hưởng đến lợi ích chung. Ảnh: KHÁNH LY

Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (bìa trái) đang tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ pháp luật khai thác trên biển để vừa đánh bắt an toàn, vừa không ảnh hưởng đến lợi ích chung. Ảnh: KHÁNH LY

Bên cạnh đó là chở loa lưu động đến từng đường, hẻm tuyên truyền; vận động và mời chủ tàu, ngư dân ký cam kết chống khai thác IUU, cùng nhau quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng hải sản của EC.

Bên cạnh đó, hằng ngày thông qua bộ đàm đều tuyên truyền, nhắc nhở các thuyền trưởng, thuyền viên trên sáu tàu đánh bắt của mình tuyệt đối không tham gia đánh bắt ở vùng biển nước bạn. “Có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, tuyệt đối không tham gia đánh bắt ở vùng biển nước bạn. Không vì lợi ích của một cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia. Đây là điều tôi luôn nhắc nhở anh em đi trên tàu và các chủ tàu khác mỗi ngày...” - ông Nhỏ khẳng định.

Ông Nhỏ kiến nghị các tàu chấp pháp của Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho các tàu cá của ngư dân đánh bắt tại vùng biển giáp ranh nhưng vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bên cạnh đó là hỗ trợ ngư dân một số vấn đề về kinh phí để mua thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Bởi các chủ tàu phải mua thiết bị giám sát hành trình, đăng ký nhà mạng của các đơn vị được Nhà nước ấn định. Tuy nhiên sau hơn một năm sử dụng thì máy có dấu hiệu bị hỏng. Do đó nó làm ảnh hưởng đến việc giám sát hành trình tàu cá của ngư dân.

Cũng kiến nghị về nội dung thiết bị giám sát hành trình, ông Hồ Minh Máy (ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết ngày 27-2 vừa qua, ông nhận được tin nhắn về việc tàu cá của ông đang đánh bắt ngoài khơi mất kết nối trong khoảng 1 giờ, đề nghị kết nối lại. Sau đó ông được lực lượng chức năng đến nhà yêu cầu ký biên bản vụ việc.

Tuy nhiên, ông cho hay sau đó qua kiểm tra lịch trình di chuyển của tàu bằng phần mềm quản lý trên điện thoại ông thấy tàu vẫn bật thiết bị giám sát hành trình bình thường. Do đó ông cũng đề nghị cần được làm việc, gặp các đơn vị cung cấp máy để đối thoại, nêu rõ vấn đề và khắc phục cho ngư dân.

Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển"

Nhằm tuyên truyền cho ngư dân, thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi công dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi đánh bắt trên biển, đồng thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế, Báo Pháp luật TP.HCM chính thức phát động Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

· Chương trình do ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, làm Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Tổng biên tập Nguyễn Thái Bình làm Trưởng ban Tổ chức.

· Chương trình còn có sự đồng hành tham gia của đại diện: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ NN&PTNT; Hội Nghề cá Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển…

· Đại sứ của chương trình là hoa hậu Trái đất 2018, Nguyễn Phương Khánh.

· Chương trình sẽ được tổ chức tại 28 tỉnh thành có biển trên cả nước trong 03 năm, từ 2023 - 2025.

· Tại mỗi địa phương, BTC chương trình sẽ trao quà cho 200 ngư dân. Mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng, bao gồm 01 bộ ắc quy phục hồi + đèn led, phao cứu hộ, 01 túi thuốc + các loại thuốc cần thiết.

· Chương trình còn trao học bổng, xe đạp, sách tập... cho con em những gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn.

· Đáng chú ý, Chương trình sẽ phát hành cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản (do Báo Pháp luật TP.HCM chủ biên), với rất nhiều kiến thức về pháp lý cần thiết dành cho bà con ngư dân.

· Dự kiến Chương trình sẽ tổ chức các tọa đàm, hội thảo về chủ đề đánh bắt trên biển sao cho đúng pháp luật, góp phần đồng hành cùng các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện Kế hoạch hành động tháo gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng chính phủ đã ban hành.

** Lễ ra mắt Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 18 giờ hôm nay, thứ Sáu ngày 07-4-2023 tại REX Hotel, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Có thể bạn quan tâm